Giới thiệu chung về xã Vũ Muộn

1. Vị trí địa lý
Vũ Muộn là một xã vùng cao nằm ở phía Đông Bắc của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.
Phía Bắc giáp với xã Hiệp Lực (Ngân Sơn).
Phía Đông giáp với xã Kim Hỷ (Na Rì)
Phía Nam giáp với xã Cao Sơn.
Phía Tây giáp với xã Sỹ Bình.
Năm 1955 xã Vũ Muộn đổi tên thành xã Hợp Tác. Đến năm 1965 tỉnh Bắc Kan sáp nhập với tỉnh Thái nguyên thành tỉnh Bắc Thái, thì xã Vũ Muộn lấy lại tên cũ, từ đó đến nay gọi xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông.

2. Điều kiện tự nhiên
Diện tích xã Vũ Muộn: 3.842,31ha, trong đó đất nông nghiệp 226ha, đất ở 12ha, đất giành cho xây dựng 1,23ha, đất giành cho giao thông 11,8ha, còn lại là diện tích đất rừng (trong đó có 1.174ha thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ). Xã Vũ Muộn được chia thành 10 thôn: Khuổi Khoang, Nà Khoang, Đon Quản, Tân Lập, Đâng Bun, Nà Kén, Còi Có, Choóc Vẻn, Tốc Lù và Lủng Siên, có 434 hộ dân (năm 2021), 1690 nhân khẩu, có 4 dân tộc chủ yếu: Tày, Dao, Nùng, Kinh và một số dân tộc khác như: Hoa, Sán Chí,… cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số.
Là một xã vùng cao của huyện Bạch Thông, diện tích rừng núi chiếm 95%, đây là vùng núi đá vôi thuộc cánh cung Bắc Sơn. Đất ở vùng núi đá vôi chủ yếu là đất Feralit màu đỏ nâu. Rừng Vũ Muộn có nhiều loại gỗ quý hiếm như Nghiến, trai, vàng tâm, lát hoa, dổi… ngoài ra còn có nhiều loại lâm thổ sản có giá trị khác như: mây, vầu, nứa, giang… các loại dược liệu quý như sa nhân, nấm hương, đinh lăng, mật ong, tầm gửi nghiến, hồi rừng… Rừng Vũ Muộn phần lớn là rừng nguyên sinh nhiều khu vực rất hoang sơ nên có nhiều loài thú và chim muông sinh sống như: Hươu sao, nai, khỉ, hon, lửng, lợn rừng, gà lôi, trĩ…(1)
Xã còn có nhiều hang động đẹp như: ngườm Ái Quang, ngườm Thẳm Tùp, ngườm Pá Sao, ngườm Đâng Dạ… là những cảnh quan đẹp, nhiều hình thù và rất hoang sơ. Ngoài ra xã còn có các loại tài nguyên khoáng sản khác như: vàng sa khoáng, đá vôi,….
Vũ Muộn nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa xích đạo, có 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa lạnh từ tháng 8 đến hết tháng 3 âm lịch, mùa nóng từ tháng 4 đến hết tháng 7 âm lịch. Nhiệt độ trung bình của tháng nóng nhất từ 24oC – 26oC, nhiệt độ trung bình của tháng lạnh nhất là 12oC. Trong mùa lạnh gió mùa Đông bắc thổi mạnh từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm, sương muối xuống nhiều vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch, có năm xảy ra hiện tượng mưa tuyết; thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài trong tháng 12 âm lịch.

Vũ Muộn là xã vùng cao, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi cao trùng điệp, lượng mưa hàng năm được đánh giá cao nhất huyện Bạch Thông. Từ tháng 4 đến hết tháng 8 lượng mưa tập trung từ 80 đến 90% tổng lượng mưa cả năm và độ ẩm trong không khí cao.
Xã Vũ Muộn có dòng suối chính được bắt nguồn từ nguồn Khuổi Slưa (thôn Khuổi Khoang) nguồn Khuổi Liềng (thôn Nà Khoang) và hợp nhất với nguồn Khuổi Uổn (Đon Quản) chảy xuống trung tâm xã tách cách đồng chính của xã ra làm hai phần (một nửa thuộc phía Đông, một nửa thuộc phía Tây). Ngoài ra còn nhiều khe suối nhỏ chảy dồn vào suối chính thuộc các nguồn Khuổi Khỉnh, Thôm Túp, Ái Quang,… Hàng năm cánh đồng Vũ Muộn đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, các chân ruộng thấp gần suối hay bị ngập úng và sạt lở đất.
Về giao Thông: Vũ Muộn nằm giữa xã Sỹ Bình và xã Cao Sơn, trục đường chính từ huyện vào xã đi từ đỉnh Đèo Giàng (Quốc lộ 3) theo hướng đông vào Sỹ Bình rồi đến Vũ Muộn, con đường này được chia đi các ngả: 01 đường đi vào xã Kim Hỷ (thuộc huyện Na Rì), 01 đường đi qua trung tâm xã đi vào Cao Sơn, dọc tuyến đường chính đều được nhựa hóa, đường khá dốc và nhiều khúc cua có tả luy cao nên hằng năm vào mùa mưa hay bị sạt lở và mau hỏng. Các tuyến giao thông liên thôn đều được bê tông hóa đến các nhà văn hóa 10/10 thôn, ngoài ra có tuyến nội đồng Nà Kén, Choóc Vẻn được xây dựng từ năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại trong lao động sản xuất.
3. Kinh tế – Xã hội:
3.1. Kinh tế:
Kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp, các ngành nghề dịch vụ, kinh doanh có bước phát triển, song còn nhỏ lẻ; hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Với điều kiện khí hậu của địa phương trong năm trồng được 3 vụ (vụ xuân, vụ mùa, vụ đông). Vụ xuân trồng các cây màu như: Thuốc lá, ngô, đỗ tương, lạc, bí, khoai, sắn…; vụ mùa đất ruộng chủ yếu trồng cây lúa nước, còn ngô, đỗ tương, lạc,… trồng trên soi bãi và một số chân ruộng cạn; vụ Đông chủ yếu trồng các loại rau màu (bắp cải, su hào, rau cải, cải làn,…), đậu đỗ (Đỗ hà lan, đỗ cô ve, đậu đũa…), và các loại khoai tây, khoai sọ,… nguồn lương thực tương đối dồi dào. Tổng sản lượng lương thực (năm 2021) đạt 1.280 tấn.
Ngoài ra người dân còn trồng một số loại cây khác như: Chè, hồi, gừng, nghệ,… và một số loại cây ăn quả khác để phát triển kinh tế tăng thu nhập cho gia đình.
Về chăn nuôi: Với truyền thống từ xa xưa đến nay người dân vẫn duy trì việc chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà,… mỗi gia đình có ít nhất từ 10 con gà và 1 đến 2 con lợn trở lên (hiện nay do dịch tả lợn Châu Phi nên nhiều hộ đã không còn chăn nuôi lợn). Trong vài năm trở lại đây đàn trâu, bò phát triển tương đối ổn định, các mô hình chăn nuôi được nhân dân chú trọng như: mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, sinh sản; mô hình chăn nuôi dê núi,… Diện tích trồng cỏ voi cũng tăng lên (có trên 20ha), một số người dân mạnh dạn trồng cỏ voi xuống ruộng, còn lại tận dụng đất ven bờ suối, các khe đá… để trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc, nhờ đó đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.Tổng thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước (năm 2021 đạt 31 triệu đồng/người/năm).
3.2. Xã hội:
Xã Vũ Muộn được chia thành 10 thôn: Khuổi Khoang, Nà Khoang, Đon Quản, Tân Lập, Đâng Bun, Nà Kén, Còi Có, Choóc Vẻn, Tốc Lù và Lủng Siên, có 434 hộ dân (năm 2021), 1690 nhân khẩu, có 4 dân tộc chủ yếu: Tày, Dao, Nùng, Kinh và một số dân tộc khác như: Hoa, Sán Chí,… cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số.
Xã có các dòng họ chủ yếu sau: Họ Đinh (Đinh Quang, Đinh Văn, Đinh Như, Đinh Duy), Nông (Nông Thiêm, Nông Văn), Hứa, Nguyễn, Đàm, Dương, Lộc, Hà, Ngân, Lường, Lương, Hoàng, Bàn, Đặng, Triệu, Lý, Mông, Trương, Lục,… Mỗi gia đình đều có nghi thức thờ tổ tiên, vào các dịp tết Nguyên Đán, rằm tháng riêng, mùng 3 tháng 3, mùng 5 tháng 5, 14 và 15 tháng 7, rằm tháng 8,… hàng năm, các gia đình đều làm bánh hoặc mua bánh kẹo, trái cây về thắp hương để tỏ lòng biết ơn và tôn kính tổ tiên.
Vào mỗi dịp đầu năm mới, xã thường tổ chức Lễ hội Lồng Tồng, trong lễ hội tổ chức các trò chơi dân gian như: tung còn, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy và một số môn thể thao như bóng chuyền, bóng chuyền hơi… lễ hội cùng là nơi để giao lưu, gặp mặt, tạo sự đoàn kết giữa nhân dân trong xã và với các xã bạn, tạo không khí phấn khởi, vui tươi, nhằm động viên nhau yên tâm lao động sản xuất.
Với nền văn hóa lâu đời của người Tày, kết hợp với văn hóa các dân tộc khác như Nùng, Dao, Kinh,… di cư đến xã Vũ Muộn, đã tạo nên bức tranh đa màu sắc về phong tục tập quán, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn./.